- Bệnh trứng tóc (hay còn gọi là bệnh tóc hột):
Căn nguyên do các loài nấm piedra alba gây trứng tóc trắng, và piedra nigra gây trứng tóc đen. ở Việt Nam thường gặp loại piedra nigra chủ yếu gây tổn thương ở tóc. Điều kiện thuận lợi để nấm gây bệnh khi để tóc ẩm, như gội đầu ban dêm, đội mũ ngay sau khi gội đầu, hay gặp ở nữ nhiều hơn nam, lây truyền khi dùng chung mũ lược. Khi nhiễm nấm thì dọc theo thân tóc có các hạt nhỏ bằng hạt vừng màu đen bám chặt vào thân tóc. Các hạt nhỏ chính là sợi nấm và bào tử đốt tạo nên rất cứng và chắc làm gãy thân tóc. Nấm lan từ sợi tóc này sang sợi tóc khác.
Triệu chứng cơ năng: không ngứa nhưng làm người bệnh khó chịu.
Chẩn đoán cận lâm sàng: cho sợi tóc vào lam kính có KOH 20% soi kính hiển vi tìm bào tử nấm và sợi nấm.
Điều trị:
Trứng tóc: gội đầu xà phòng nước ấm,chải mỡ benzosali, hoặc gội đầu xà phòng Sastid, Nizorral hay Kelog.
- Nấm da đầu Kerion
Kerion là một áp-xe do nấm gây nên. Bệnh thường được gọi dưới tên kerion de Celse. Kerion có nguồn gốc tiếng La Mã cổ nghĩa là tổ ong, phản ảnh hình ảnh lâm sàng của bệnh. Celse là tên của một thầy thuốc nổi tiếng của La Mã cổ đại, người đầu tiên mô tả bệnh này. Tên đầy đủ của ông là Aulus Cornelius Celsus.
Kerion thường gặp ở da đầu trẻ em nhưng vẫn có những trường hợp xảy ra ở người lớn. Ở đàn ông, thương tổn có thể gặp ở vùng râu cằm.
- Nguyên nhân gây bệnh
Kerion gây ra do đáp ứng miễn dịch của cơ thể với các loại nấm sợi. Các loài nấm hay gặp trong kerion là Micosporum canis, Trichophyton tonsurans, Trichophyton verrucosum, Trichophyton mentagrophytes. Các loài nấm này có thể lây từ người sang người do dùng chung vật dụng, hoặc lây từ vật nuôi trong nhà (chó, mèo) sang người. Riêng Trichophyton rubrum, loài nấm hay gây nấm da nhẵn, hiếm khi gây kerion.
- Triệu chứng lâm sàng
Bệnh thường xuất hiện ở da đầu nhưng có thể gặp ở các vị trí khác có phơi nhiễm với nấm như da mặt, cổ, chi trên, dễ bị chẩn đoán nhầm với áp-xe do vi khuẩn. Kích thước của áp-xe khoảng vài centimet, chỉ có một thương tổn đơn độc hoặc nhiều thương tổn.Trong ổ áp-xe chứa đầy các hốc mủ như sình lầy, nằm trên nền da viêm nề. Khi mủ chảy ra, khô để lại các mảng vảy tiết dày màu vàng. Tóc trong vùng thương tổn thường bị rụng. Ngoài ra, bệnh còn có các triệu chứng toàn thân khác như hạch vùng sưng to, sốt, mệt mỏi, các dát ngứa giống chàm (eczema).
- Cận lâm sàng
Soi thương tổn dưới đèn Wood (loại thiết bị phát ra tia UVA bước sóng dài) có thể thấy màu huỳnh quang vàng-xanh lá cây nếu nguyên nhân gây kerion là Microsporum canis. Tuy nhiên, nhiều trường hợp âm tính khi soi đèn Wood do thương tổn viêm, mủ nhiều che lấp sự hiện diện của sợi nấm.
Soi tươi dưới kính hiển vi có thể thấy sợi nấm nằm trong và ngoài sợi tóc. Cần nuôi cấy nấm để chẩn đoán loài nấm gây bệnh. Ngoài ra, có thể nuôi cấy tìm vi khuẩn gây bội nhiễm trong ổ áp-xe.
- Chẩn đoán phân biệt
Bệnh cần được chẩn đoán phân biệt với:
Viêm nang lông lan tỏa ở da đầu
Các bệnh nấm có mủ
Áp-xe do vi khuẩn
Chốc ở da đầu
- Điều trị
Điều trị kerion cần phối hợp giữa việc dùng thuốc chống nấm toàn thân với trích rạch, dẫn lưu mủ trong ổ áp-xe.
Các thuốc chống nấm toàn thân (đường uống) như terbinafin, itraconazol, griseofulvin được sử dụng trong 6-8 tuần. Các thuốc chống nấm tại chỗ thường không có tác dụng do nấm xâm nhập sâu vào nang tóc.
Có thể sử dụng kháng sinh nếu có bội nhiễm vi khuẩn hoặc để chống bội nhiễm sau trích rạch thương tổn.
Để chống nấm lan rộng trên da đầu, nên sử dụng dầu gội đầu chứa ketoconazol hoặc ciclopirox.
Tóc trên thương tổn thường mọc lại sau khi đã hết nhiễm trùng, tuy nhiên, rụng tóc có thể vĩnh viễn trong những trường hợp nhiễm trùng kéo dài.