– Đau, đỏ, sưng nề, bầm tím vùng tiêm:
Nguyên nhân có thể do không gây tê trước khi tiêm, tiêm chưa đúng kỹ thuật, tiêm quá nhiều chất liệu.
Xử trí: gây tê vùng tiêm trước khi tiêm (dùng kem tê Emla 5% hoặc gây tê vùng bằng lidocain), dùng sản phẩm HA có kết hợp lidocain. Tiến hành tiêm đúng kỹ thuật. Ngay sau tiêm tiến hành chườm lạnh vùng điều trị, sử dụng thuốc giảm đau, giảm phù nề nếu vùng tiêm rộng
– Nhiễm trùng:
Nhiễm trùng tại vùng tiêm có thể xảy ra khi quá trình tiêm không đảm bảo khâu vệ sinh, kim tiêm không đảm bảo vô trùng, quá trình thao tác không tốt, vùng da điều trị chưa được sát trùng trước khi tiêm.
Xử trí: đảm bảo quá trình tiêm diễn ra trong điều kiện vô trùng. Khi đã có nhiễm trùng da vùng tiêm cần chăm sóc tốt vùng da, sử dụng các thuốc bôi hoặc dung dịch sát trùng, sử dụng thuốc kháng sinh.
– Kết cụm, nốt dưới da, u nang da:
Nguyên nhân do tiêm nông trong da, lựa chọn sản phẩm tiêm không phù hợp vị trí tiêm, kỹ thuật tiêm chưa chính xác.
Xử trí: trích lấy các nốt, u nang, hoặc sử dụng men hyaluronidase để tiêu hủy sản phẩm trong mô
– Loét, hoại tử, thuyên tắc mạch:
Đây là biến chứng nguy hiểm của tiêm HA, đặc biệt có thể gây mù nếu tiêm vùng quanh mắt gây tắc động mạch võng mạc trung tâm. Nguyên nhân có thể do tiêm vào mạch máu gây tắc mạch hoặc tiêm khối lượng quá nhiều HA gây chèn ép, thiểu dưỡng dẫn đến loét, hoại tử vùng điều trị.
Xử trí: tiêm đúng kỹ thuật, tiêm lượng chất liệu vừa phải, sử dụng chất liệu phù hợp vị trí tiêm, rút thử ống tiêm trước khi bơm chất liệu sẽ giảm thiểu nguy cơ đưa thuốc vào mạch máu. Cần theo dõi sát ngay sau khi tiêm 15-30 phút để phát hiện nguy cơ chèn ép.
Khi xảy ra tắc mạch, nguyên tắc cần phải tiến hành giải phóng sự tắc mạch, tăng cường lưu thông mạch, nuôi dưỡng tại vùng thiếu máu
Sử dụng men hyaluronidase để tiêu hủy HA đã được đưa vào trong mô, kết hợp chườm ấm, chống nhiễm trùng,..