1. Biểu hiện lâm sàng và giải phẫu bệnh
Hình ảnh trên lâm sàng của bớt Ota là những dát màu xanh hoặc màu nâu, mức độ đậm tăng dần các màu bao gồm: nâu, nâu tím, tím xanh và xanh đen. Vị trí tổn thương vùng mặt, tương ứng vùng chi phối nhánh 1,2 của dây thần kinh số V. Ngoài tổn thương trên da, nhiều bệnh nhân có tổn thương kết hợp ở niêm mạc. Bớt Ota gặp nhiều ở các nước châu á, nhất là ở Nhật bản, tỷ lệ 0,6-1,1% dân số. Màu sắc tổn thương trên lâm sàng có liên quan đến mức độ tế bào sắc tố tại trung bì trong hình ảnh mô bệnh học. Hình ảnh mô bệnh học của bớt Ota cho thấy: thượng bì hoàn toàn bình thường, tại trung bì nông, các tế bào sắc tố dẹt, có hình 2 cực, tập trung thành đám.
2. Điều trị
Bớt Ota đáp ứng tốt với điều trị laser QS Yag và laser QS Alexandrite
Thông số | Laser QS Yag | Laser QS Alexandrite |
Bước sóng | 1064 nm | 755nm |
Kích thước chùm tia | 3-4mm | 3-4mm |
Năng lượng | 6- 8j/cm2 | 5-8 j/cm2 |
Số lần chiếu laser | 6 – 10 | 6 – 10 |
Khoảng cách giữa 2 lần chiếu laser | 4-8 tuần | 4-8 tuần |
Màu nâu đáp ứng tốt nhất và số lần điều trị ít nhất, màu xanh đen đáp ứng kém hơn và liệu trình thường phải dài. Có 2 vấn đề khó chịu với bệnh nhân khi điều trị, đó là đau và tình trạng rớm máu hoặc chảy máu ngay sau bắn laser. Giảm đau thường sử dụng Emla 5% bôi trước điều trị 30-60 phút, tuy nhiên một số trường hợp vẫn phải sử dụng lidocain tiêm tại chỗ. Phần lớn các bệnh nhân có biểu hiện rớm máu, chảy máu ngay sau khi điều trị, khô và tạo vảy từ ngày thứ 2, sau 6-7 ngày vảy sẽ bong và da vùng điều trị trở lại bình thường. Trong suốt quá trình điều trị bệnh nhân nên tránh nắng tại tổn thương. Với một liệu trình đầy đủ, khoảng 90% các trường hợp đạt được cải thiện >75% tổn thương. Một số bệnh nhân tiếp tục cải thiện trong khoảng 1 năm sau lần điều trị cuối cùng.
Tác dụng phụ sau điều trị bao gồm: sẹo, tăng hoặc giảm sắc tố tạm thời nhưng rất ít gặp, tỷ lệ tái phát sau điều trị 3-5%.
Bớt Ito: Tổn thương lâm sàng và mô bệnh học giống bớt Ota với vị trí tổn thương hay gặp là vùng bả vai hoặc phần trên cánh tay. Đáp ứng điều trị của bớt Ito kém hơn so với bớt Ota.