Bệnh sẩn ngứa là bệnh ngoài da khá phổ biến, không nguy hiểm tới tính mạng nhưng gây khó chịu và phiền toái cho người bệnh. Bệnh xảy ra nhiều vào mùa hè nóng do sự phát triển của các loại côn trùng. Sẩn ngứa là bệnh da liễu thường gặp do phản ứng viêm xuất tiết. Sự đa dạng của các nguyên nhân gây ra tình trạng sẩn ngứa khiến việc điều trị sẩn ngứa trở nên khó khăn hơn.
Trước khi điều trị bệnh da liễu phức tạp này, bệnh nhân phải tìm hiểu, phát hiện nguyên nhân gây ra bệnh thì mới có thể khắc phục.
- Sẩn ngứa là bệnh gì?
Sẩn ngứa là bệnh da thường gặp, do phản ứng viêm xuất tiết xuất hiện ở vùng lớp trung bì nông với sự thâm nhiễm của tế bào lympho và bạch cầu đa nhân trung tính.
Một số bệnh nhân có hiện tượng dị ứng với chất tiết của côn trùng tại vết đốt, dẫn đến phản ứng mạnh hơn so với người bình thường.
- Biểu hiện thường gặp
Thông thường, các biểu hiện lâm sàng của sẩn ngứa là:
Các sẩn phù dạng mày đay, sẩn huyết thanh.
Mụn nước xuất hiện trên sẩn phù, sẩn hoặc mảng đỏ, mụn nước có thể vỡ gây tiết dịch và đóng vảy tiết.
Các sẩn cục là tổn thương màu đỏ nâu hoặc xám có kích thước từ 1 – 2cm.
Các vết xước do cào gãi rải rác, chủ yếu vùng da hở.
- Nguyên nhân gây bệnh sẩn ngứa
Có rất nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng sẩn ngứa trong đó có một số nguyên nhân thường gặp như:
Côn trùng đốt
Kích thích về cơ học, vật lý, ánh sáng, dị ứng thức ăn, hóa chất gây giải phóng histamin…
Một số bệnh lý mạn tính cũng có thể gây ra tình trạng mẩn ngứa như: Bệnh nội tiết đái tháo đường, bệnh tuyến giáp, bệnh tuyến cận giáp, viêm gan, xơ gan, tắc mật; suy thận mạn tính; thiếu máu, thiếu máu thiếu sắt…
Thường xuyên tiếp xúc công việc ở môi trường nóng, khô hanh, hóa chất
Do cơ địa kết hợp ăn đồ cay nóng cũng dẫn đến tình trạng sẩn ngứa
- Phân loại các thể và mức độ của bệnh sẩn ngứa
- Thể cấp tính
Tổn thương chủ yếu là sẩn phù và mày đay, trên tổn thương có mụn nước, vỡ gây tiết dịch, thường gặp ở trẻ nhỏ vào mùa hè.
Nhiễm trùng thứ phát xuất hiện do trẻ gãi, chà xát. Nguyên nhân hay gặp do viêm da cơ địa, quá mẫn với các phản ứng côn trùng đốt hoặc với thức ăn (trứng, đậu tương, thịt lợn).
- Thể bán cấp
Đối với thể bán cấp, tiến triển của bệnh dai dẳng và khó phát hiện. Tuy nhiên, thể bán cấp thường do các bệnh lý như: viêm da cơ địa, đái tháo đường, rối loạn chức năng gan…
Các tổn thương là sẩn nổi cao, trên có mụn nước, vết trợt hoặc vảy tiết do chà xát kèm ngứa nhiều…
- Thể mạn tính
Có thể được chia thành 2 dưới nhóm:
+ Sẩn ngứa mạn tính đa dạng
Sẩn ngứa mạn tính đa dạng hay tái phát và tiến triển dai dẳng. Người bệnh ngứa nhiều, khiến phải chà xát, gãi hình thành các vết trợt, xước trên bề mặt mảng lichen hóa.
Vị trí hay gặp ở thân mình và chân ở người lớn tuổi.
Các tổn thương xuất hiện xung quanh tổn thương ban đầu, có xu hướng lichen hóa, tạo thành mảng thâm nhiễm.
+ Sẩn cục
Sẩn cục, tổn thương tiến triển dai dẳng, có thể kéo dài hàng năm. Người bệnh ngứa nhiều, chà xát, gãi tạo các vết trợt, vảy tiết đen trên bề mặt sẩn.
Bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ hoặc phụ nữ lớn tuổi. Vị trí hay gặp là ở các chi.
- Sẩn ngứa ở phụ nữ có thai
Sẩn ngứa ở phụ nữ có thai thường xuất hiện ở phụ nữ có thai vào tháng thứ 3 hoặc thứ 4.
Vị trí hay gặp là ở chi hoặc thân mình. Tổn thương giảm đi sau khi sinh.
Bệnh có xu hướng xuất hiện trở lại với các lần mang thai sau.
- Điều trị bệnh sẩn ngứa như thế nào cho đúng?
Thực tế, sự đa dạng của các nguyên nhân gây ra tình trạng sẩn ngứa khiến việc điều trị sẩn ngứa trở nên khó khăn hơn. Trước khi điều trị phải tìm hiểu, phát hiện nguyên nhân gây ra bệnh thì mới có thể khắc phục.
Việc điều trị sẩn ngứa còn phụ thuộc vào từng giai đoạn mới có thể có phác đồ điều trị thích hợp. Mục đích chính là giúp bệnh nhân giảm gãi, chà xát gây các vết thương hở, tổn thương trên da.
Cần lưu ý, bệnh nhân tuyệt đối không tự mua thuốc về điều trị. Việc dùng sai thuốc khi chưa xác định nguyên nhân và mức độ của bệnh sẽ khiến bệnh trở nên nặng hơn.
Vì vậy, bệnh nhân cần thăm khám bác sĩ để nắm được tư vấn phác đồ điều trị phù hợp với tình trạng bệnh.
Điều trị cụ thể:
Nguyên tắc chung
Tìm nguyên nhân để loại bỏ
Điều trị tùy từng giai đoạn
Corticosteroid bôi: tùy vào vị trí và mức độ tổn thương có thể sử dụng các thuốc sau:
+ Hydrocortison, desonid, clobetason: dạng kem hoặc mỡ 0,5%, 1%.
+ Betamethason (dipropionat hoặc valerat): dạng kem hoặc mỡ 0,5%, 1%.
+ Triamcinolon acetonid: dạng kem hoặc mỡ 0,025%, 0,1% và 0,5%.
+ Fluocinolon acetonid: dạng mỡ 0,05%.
+ Clobetasol propionat: dạng mỡ hoặc kem 0,05%.
Bôi thuốc 1-2 lần/ ngày, cần lưu ý các tác dụng phụ như teo da, giảm sắc tố, dễ nhiễm trùng.
Kháng histamin uống
+ Thế hệ 1: promethazin (viên 25 mg, 50 mg, siro 0,1%), clorpheniramin (viên 4 mg), hydroxyzin (viên 25 mg).
+ Thế hệ 2: loratadin (viên 10 mg, siro 1%), cetirizin (viên 5 mg, 10 mg, siro 1%), levocetirizin (viên 5 mg, siro 0,5%), fexofenadin (viên 60 mg, 120 mg, 180 mg), desloratadin (viên 5 mg, siro 0,5%).
Tránh côn trùng đốt: DEP, permethrin 5%, crotamiton 10%.
Loại bỏ thức ăn gây quá mẫn.
Kem chống nắng: áp dụng cho sẩn ngứa liên quan đến ánh nắng. Sử dụng kem chống nắng chống cả tia UVA và UVB.
Thuốc ức chế miễn dịch điều trị trong thời gian ngắn: cần có ý kiến của bác sĩ chuyên khoa như corticosteroid đường toàn thân, methotrexat, cyclosporin và azathioprin.
Quang trị liệu và quang hóa trị liệu.
- Phòng bệnh
Tránh các yếu tố kích thích như thức ăn, thuốc.
Sử dụng chất giữ ẩm thường xuyên.
Tránh chà xát lên các tổn thương.
Hạn chế ra nắng, mặc quần áo bảo vệ đối với sẩn ngứa do ánh sáng.